Ba lần Tây chinh Lại_Văn_Quang

Mùa xuân năm thứ 10 (1860), Văn Quang có công trong 2 chiến dịch đại phá Đại doanh Giang Nam, được phong làm Kiệt Thiên Nghĩa. Mùa thu, quân Thái Bình tiến hành cuộc Tây Chinh lần thứ 2, ông theo quân đánh vào An Huy, Chiết Bắc. ngày 10/3 năm thứ 11 (1861), Văn Quang đánh bại quan quân của phó tướng Dư Tế Xương, chiếm được Hoắc Sơn. Ngày 18, đại quân của Trần Ngọc Thành đánh hạ Hoàng Châu thuộc Hồ Bắc (nay là khu Hoàng Châu, Hoàng Cương, Hồ Bắc) rồi giao cho ông trấn thủ. Ngày 15 tháng 6, cánh quân Nam lộ của Lý Tú Thành đến huyện Vũ Xương (nay là địa cấp thị Ngạc Châu) ở bờ đối diện Hoàng Châu, Văn Quang lập tức báo cáo đại lược tình hình Giang Bắc cho ông ta, thông suốt tin tức của hai cánh quân.

Tháng 9, An Khánh thất thủ, tình thế nguy ngập, Văn Quang bỏ Hoàng Châu lui về phía đông, hội họp với Trần Ngọc Thành. Ông kiến nghị: "Nên liên kết với Trương (Nhạc Hành)Miêu (Bái Lâm) ở phía bắc để nương tựa Kinh Tả (phía đông Bắc Kinh, tức các tỉnh Sơn Đông, An Huy, Giang Tô), tiếp đó đưa kỳ binh ra lấy vùng Kinh (tức Kinh Châu, nay là Giang Lăng, Hồ Bắc), Tương (tức Tương Dương, nay là Tương Dương, Hồ Bắc); không quá nửa năm, binh nhiều tướng lắm, có thể khôi phục tỉnh Hoàn (Hoàn là An Huy, ở đây chỉ An Khánh), mà còn củng cố cửa ngõ kinh sư (tức Thiên Kinh), đây là thượng sách." [2]. Trần Ngọc Thành không nghe. Sau khi lui về Lư Châu thuộc An Huy (nay là Hợp Phì), ông được phong Tuân vương, nhận lệnh cùng Phù vương Trần Đắc Tài, Khải vương Lương Thành Phú, Hỗ vương Lam Thành Xuân viễn chinh Hà Nam, Thiểm Tây.

Tháng 2 năm Đồng Trị đầu tiên (1862), Văn Quang đưa quân từ Lư Châu vượt sông Hoài vây đánh Dĩnh Châu (nay là Phụ Dương), không hạ được; ngày 12 tháng 2, vào Hà Nam đánh Tân Thái, tiếp đó quấy nhiễu Nam Dương; đi qua Trấn Bình, Nội Hương, Tích Xuyên; vào Thiểm Nam, vây đánh Thương Nam, Thương Châu; chiếm lĩnh Trấn An, Hiếu Nghĩa Thính (nay là Tạc Thủy); ra Đại Dục Khẩu, đến Doãn Gia Vệ (nay là nhai đạo Dẫn Trấn, khu Trường An, Tây An), uy hiếp Tây An. Lúc này, được tin Lư Châu nguy cấp, ông lập tức rút về phía đông để cứu viện, rời Thiểm Tây, vào Hà Nam; ở Vũ Dương hội họp với cánh quân của Mã Dung Hòa. Nhận tin Lư Châu thất thủ, Ngọc Thành bị hại, họ rẽ xuống Hồ Bắc ở phía nam, rồi quyết định lần nữa tiến đánh Thiểm Tây. Ngày 7 tháng 2 (1863, vẫn còn trong năm Âm lịch), nghĩa quân đánh lấy Hưng An thuộc Thiểm Tây (nay là An Khang), chiếm trọn huyện Miện (nay là huyện Miễn).

Đầu tháng 10 năm thứ 2 (1863), Văn Quang cùng bọn Trần Đắc Tài đại phá quan quân, giết chết bọn tổng binh Hạ Lan Quế, Tiêu Khánh Tứ, Hà Ngọc Lâm, Trần Thiên Trụ cùng tri huyền Chu Phiền Thọ, đánh hạ trọng trấn Hán Trung.

Ngày 10 tháng 2 năm thứ 3 (1864), bọn Văn Quang nhận lệnh cứu viện Thiên Kinh, quyết định chia 3 lộ nam hạ. Ông cùng bọn Trần Đắc Tài, Lam Thành Xuân làm bắc lộ, từ Thiểm Tây đi Trấn An, Sơn Dương, Thương Châu, hẹn với trung lộ, nam lộ hội họp ở 1 dải Tương Dương thuộc Hồ Bắc, tiếp tục tiến quân. Sau khi bọn họ đến Tích Xuyên, Nội Hương thuộc Hà Nam, hội họp với các cánh quân Niệp, lực lượng trở nên lớn mạnh, chia 4 lộ cùng tiến. Văn Quang đưa quân Thái Bình cùng quân Niệp của Trương Tông Vũ làm lộ thứ 2, chuyển đến Hồ Bắc. Ngày 26 tháng 5, đánh bại quan quân ở Thọ Sơn (thuộc hương Nam, huyện Ứng Sơn, phủ Đức An, nay là huyện cấp thị Quảng Thủy, địa cấp thị Tùy Châu), giết chết bọn Hộ quân thống lĩnh Thư Bảo, doanh tổng Đức Long A, tràn xuống Hoàng Pha, Hoàng Châu, Ma Thành, La Điền, chuẩn bị đông tiến.